Thần Tài, Thổ Địa là hai vị Thần Linh được thờ tự khá phổ biến trong nhiều gia đình. Hai vị gia thần này thân thiết và gần gũi với tín chủ đến nỗi gần như không có một quy thức nào cần phải tuân thủ khi thờ cúng.

Trong bài viết này, Nhang Garuda sẽ giới thiệu kỹ hơn về ông Thần Tài, ông Địa để các vị tín chủ có cách nhìn sâu sắc hơn với hai vị Thần Linh mang lại tài lộc, may mắn này.
Nội dung chính
1 – Thổ Địa
Thổ Công/Thổ Địa là “thần bản thổ” bảo hộ một khoảng, một vùng có diện tích giới hạn như Hà Bá cai quản từng con sông, từng khúc sông. Vậy nên ta mới có câu: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Về sau Thổ Địa tích hợp cùng Táo Quân thành thần “bản gia”, thần bảo hộ gia đình

Nói cách khác, Thổ Địa là một vị Thổ thần – thần bảo hộ một khu đất, một cánh đồng, một vuông vườn làm thổ cư và rồi một nền nhà như quan niệm ngày nay.
Thần Thổ Địa là vị thần chứa yếu tố của ngũ hành là nguyên tố Thổ. Ở đây Thổ là dùng để cấy gặt; theo đó, Thổ là nơi mọi sinh linh, sinh vật được sinh ra. Một cách tổng quát hơn, các thuộc tính của đất, gọi chung là “thổ đức” gồm:
- Sinh: Mặt đất sinh ra vạn vật
- Nhiếp: Mặt đất thu nhiếp vạn vật, đất đai có thể hút tất cả sinh vật, có thể sống an toàn trong tự nhiên
- Tải: Chuyên chở vạn vật, khiến mọi vật được sống yên ổn trong thế giới
- Tàng: chứa đựng nhiều kho tàng, của cải, vật chất
- Trì: Cầm giữ vạn vật, khiến chúng sinh sôi
- Y: Là nơi nương tựa của vạn vật
- Kiên: Kiên cố không thể lay động
Nhờ những “thổ đức” vốn có vì vậy dẫn đến việc người dân sùng bái và thờ phụng ông Địa, là vị thần linh có sức sống vô cùng, có cương vị dẫn đón “tài thần” và giữ bình an cho gia đạo. Trong suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng thờ Thần Đất, ông Địa, Thổ Thần tuy có nhiều thay đổi, không còn giữ được nét nguyên sơ của tín ngưỡng ban đầu nhưng ông Địa/ Thổ Địa vẫn là một vị Phúc Thần với mọi gia đình.
Ông Địa/ Thổ Địa trong tâm thức người Việt chúng ta có hình dạng là một người trung niên phúc hậu, miệng cười hể hả, tay cầm quạt, tay cầm thuốc trông có vẻ phương phi, hào sảng và đất chất phong thịnh.
2 – Truyền thuyết ông Thần Tài
Với mỗi một đất nước, một nền tôn giáo sẽ có những truyền thuyết khác nhau về ông Thần Tài, vị Thần mang lại tài lộc, tài vận.
2.1. Trung Quốc
Tại Trung Quốc có 2 truyền thuyết về Thần Tài mà vẫn còn được lưu truyền đến nay đó là truyện về u Minh và Phạm Lãi.
Về tích u Minh, ông là một thương lái khi đi ngang qua hồ Thanh Thảo thì may mắn gặp được Thủy Thần và được người ban cho nô tỳ tên là Như Nguyện. Từ khi có Như Nguyện, việc làm ăn của u Minh như diều gặp gió, suôn sẻ, thuận lợi. Tuy nhiên, vào một ngày Tết, u Minh đã đánh Như Nguyện làm cho cô sợ hãi, tránh vào đống rác và biến mất. Từ đó, u Minh nào biết mình đã vô tình đuổi đi vị “Thần Tài” mà Thủy Thần ban cho. Sau khi nàng đi, u Minh làm ăn bết bát và mất tất cả của cải từ trước tới nay. Vì vậy, từ đó xuất hiện tục lệ Tết đến Xuân về mọi người thường tránh việc quét nhà, quét sân hoặc đùn rác vào góc vì sợ mất đi may mắn, tài lộc.
Với u Minh là một câu chuyện huyền ảo được truyền miệng còn về Phạm Lãi lại khác hoàn toàn. Phạm Lãi là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc.

Ông là trung thần đời đầu dẫn quân Việt tại Trung Hoa đánh chiếm Cô Tô Đài, mở ra chiến thắng oai hùng cho Việt Vương Câu Tiễn. Nhưng ông biết rằng vua sẽ không trọng dụng công thần, và sẽ lược bỏ thay thế ông để có thể nắm hoàn toàn quyền lực trong tay vì thế ông đã lén trốn đi và thay tên đổi họ mình. Ông đổi tên thành Đào Chu Công và ở ẩn tại nước Tề, và đã thành một thương lái tài giỏi nhất. Tuy nhiên, của cải của ông chỉ giữ một phần nhỏ để tiếp tục làm ăn còn phần còn lại ông sẽ đi bố thí cho người nghèo khổ. Chính vì điều này nên mọi người tôn sùng và gọi ông là Tài Thần – mang đến tiền tài, phúc lộc.
2.2. Ấn Độ
Tại Ấn Độ, ông Thần Tài là vị thần bố thí tiền bạc cho chúng sinh. Vị Thần đức hạnh này có tên là Bố Đại La Hán hay còn gọi là Nhân Yết Đà Tôn Giả – là vị Thần thứ 10 trong Thập Bát La Hán. Ông luôn giữ nụ cười phúc hậu trên môi, đeo túi vải to, tương truyền rằng ông hay vào rừng bắt rắn độc sau đó bỏ răng nanh và thả đi. Ông có thân hình phong vị, bụng to.
2.3. Tây Tạng
Truyền thuyết về Thần Tài Tây Tạng tổng cộng có 5 vị và trong đó Hoàng Thần Tài là vị thần tối cao. Hoàng Thần Tài đã ra tay bảo vệ Đức Phật cùng chúng đệ tử thoát khỏi yêu ma quấy nhiễu. Sau đó, Đức Phật đã ủy thác cho cho vị Thần này Phật Pháp và Thần Lực của mình để giúp đỡ chúng sinh nghèo khổ sao cho họ cũng có thể đi theo con đường Phật Pháp.

Đồng thời, Hoàng Thần Tài cũng sẽ bảo hộ cho toàn bộ truyền thừa và phong là Đại Hộ Pháp. Kinh Phật truyền lại, Hoàng Thần Tài được ghi chép là vị Bồ Tát từ bi, chuyên ban phát của cải, vật chất và tinh thần cho chúng sinh, giúp chung sinh thoát khỏi cảnh nghèo đói, lầm than.
2.4. Việt Nam

Tại Việt Nam, Thần Tài là một vị Thần được xuất xứ từ trong ý niệm – là một dạng Thổ Thần, thần bản gia. Thần Tài trong tâm niệm người Việt là vị thần trông coi tiền bạc, của cải và được người dân tôn sùng và thờ phụng trong giai đoạn đầu của khai hoang và trồng trọt. Từ đó trở đi, Thần Tài và ông Địa luôn được người dân Việt Nam thờ cúng nhằm mang lại của cải, thay đổi tài vận, trông nom nhà cửa, đất đai.
3 – Thần Tài gồm có bao nhiêu vị?
3.1. Trung Quốc
Hiện tại trong tín ngưỡng tại Trung Quốc sẽ gồm có tổng cộng là chín vị Thần Tài – Cửu Lộ Tài Thần. Trong đó gồm 5 vị Chính Thần Tài đại diện cho ngũ phương và 4 vị Tà Thần Tài.
Bắt đầu với 5 vị Chính Thần Tài sẽ được chia thành 2 nhóm: Văn Thần Tài và Võ Thần Tài. Văn Thần Tài bao gồm: Tỷ Can, Vương Hợi, Sài Vinh). Võ Thần Tài là hai vị Triệu Công Minh, Quan Vũ.
- Tỷ Can (hướng Đông) hay còn được gọi là Tài Lộc Chân Quân. Ông là một trong ba bậc trung trung thành hàng đầu của Trụ Vương, bị Đát Kỷ mưu hại vì bảo rằng phải lấy tim ông để làm thuốc cho vua. Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”, Khương Tử Nha phong ông là Tài Thần vì cho rằng Tỷ Can không có tim nên không có “tư tâm”, không có lòng bo bo riêng cho mình nên vô tư, công chính trong việc ban phát tài lộc.
- Quan Vũ (hướng Tây) hay còn gọi là Quan Công, Quan Thánh Đế Quân. Ông là một nhân vật nổi tiếng trong Tam Quốc diễn nghĩa, nức tiếng trung thành, tín nghĩa đồng thời vô cùng tài giỏi. Về sau Quan Công được tôn là Vạn Năng thần. Ông được tôn làm Tài Thần vào thời Minh Thanh (Trung Quốc). Lại có thuyết giải rằng: Quan Công khi còn trẻ giỏi việc quản lý tiền bạc, ông đã làm ra “nhật ký thu chi”, rất tiện cho việc kế toán. Do vậy, ông được tôn làm Thần Tài.
- Sài Vinh (hướng Nam) hay còn gọi là Thiên Tài Tinh Quân. Sài Vinh chính là vị Hoàng đế thứ hai nhà Hậu Chu thời Ngũ đại, không những ông có võ công hiển hách mà còn là vị minh quân giúp cho bách tính ấm no. Theo các sử gia đánh giá thì ông là đệ nhất minh quân thời Ngũ đại vì tài thao lược trị quốc của ông.
- Triệu Công Minh (hướng Bắc) hay còn gọi là Trung Lộ Tài Thần. Theo truyền thuyết kể lại ông là người nhà Thương, ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam, Thiểm Tây, Trung Quốc. Sau khi đắc đạo thì ông coi trọng việc đuổi trừ ôn dịch, cứu giúp người dân bá tánh thiên hạ. Với những ai buôn bán, kinh doanh khi cầu ông sẽ được làm ăn phát đạt may mắn. Người đời miêu tả ông là người mặt đen, râu rậm, tay cầm kiếm thần hoặc cầm roi, cưỡi trên lưng cọp đen.
- Vương Hợi (Trung Tâm) hay còn gọi là Trung Bân Tài Thần. Ông là thủ lĩnh đời thứ 7 của nước Thương thời nhà Hạ, là con của Tạo Minh (tiên công tộc Thương) và cũng là tổ 8 đời của vua Thành Thang. Tương truyền sau khi Vương Hợi lên ngôi thì nền nông nghiệp của nước Thương đã phát triển vô cùng mạnh mẽ, giao thương và vận chuyển hàng hóa giữa các bộ lạc nhộn nhịp khiến quốc gia phồn thịnh nên ông được tôn làm Tài Thần của giới kinh thương.
Bốn vị Tà Thần Tài gồm có Phạm Lãi, Lý Quỷ Tổ, Đoan Mộc Tứ, Lưu Hải Thiềm. Ngoài ra theo như một số quan niệm cho rằng, Tà Thần Tài là tứ diện Phật, một vị Phật của đạo Bà La Môn, có 4 mặt đại diện cho: Sự nghiệp – Tình ái – Sức khỏe – Tài vận.
3.2. Tây Tạng
Trong Phật Giáo xuất phát từ Tây Tạng thì chỉ có tổng cộng 5 vị Thần Tài (hay còn gọi là Thần Tài Ngũ Sắc), bao gồm: Bạch Tài Thần, Hoàng Tài Thần, Hồng Tài Thần, Lục Tài Thần và Hắc Tài Thần.
Trong Thần Tài Ngũ Sắc thì người đứng đầu và được đức Phật trao cho Thần lực để giúp chúng sinh qua cơn đói khổ chính là Hoàng Thần Tài.

Thần Tài Ngũ Sắc sẽ độ mệnh cho Gia Chủ theo 12 con giáp nếu thờ phụng các ngài, chi tiết như sau:
- Bạch Tài Thần độ mệnh cho những người tuổi: Thân và Dậu
- Hoàng Tài Thần độ mệnh cho những người tuổi: Sửu, Thìn, Mùi và Tuất
- Hồng Tài Thần độ mệnh cho những người tuổi: Tỵ và Ngọ
- Lục Tài Thần độ mệnh cho những người tuổi: Dần và Mão
- Hắc Tài Thần độ mệnh cho những người tuổi: Tý và Hợi
3.3. Việt Nam
Ở Việt Nam thì không có xuất hiện Thần Tài riêng biệt theo chính tôn giáo của ta, Thần Tài Việt Nam là những vị Thần Tài ý niệm, tồn tại trong tín ngưỡng tức là không có thần tích, thần phả gì cả. Xét về hình tướng, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra ông Thần Tài xứ ta về cơ bản giống Thổ Địa Phước Đức chính thần của người Hoa tuy chỉ khác là một tay vuốt râu và tay kia cầm xâu tiền điếu (hay là thoi vàng). Đó chính là hình tướng Thần Tài phổ biến nhất. Kế đó là ông Thần Tài tay ôm bó bông lúa, tay cầm xâu tiền điếu; hoặc tay cầm bó bông lúa, tay vuốt râu. Cá biệt cũng có ông Thần Tài giống ông Thọ (trong bộ Phúc – Lộc – Thọ) với cái đầu hói đặc trưng, tay cầm quạt ba tiêu, có đeo xâu tiền điếu quanh bụng, dài quá rốn.
4 – Vì sao lại thờ chung ông Địa với ông Thần Tài
Dựa trên những tài liệu, thư tịch ít ỏi thì việc thờ chung ông Địa và ông Thần Tài vẫn chưa thực sự rõ rệt. Sự nhập nhằng coi ra vô lý này lại được thực tế công nhận: người ta thường thờ chung ông Địa và ông Thần Tài và hai vị thần này là một cặp đôi không thể nào tách rời.
Hiện tượng phổ biến này có nguồn gốc tín lý cổ xưa về Thần Đất – có hai công năng: một là bảo hộ cho một diện tích đất đai (nền nhà, vuông vườn, xóm ấp,..) và hai là nguyên lý sinh sản (hoa màu, nông sản,…) của đất theo tín lý phồn thực. Tuy nhiên đó là tín lý thời nông nghiệp và sau khi kinh tế phát triển, thương nghiệp và doanh nghiệp càng ngày càng có vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế thì tiền vàng, tiền bạc là dấu hiệu của sự giàu có chứ không phải là “lúa thiên, ruộng mẫu” như xưa vậy nên con người cần có một vì Thần chuyên trách cho việc phát tài là ông Thần Tài còn ông Địa chỉ còn nhiệm vụ là bảo hộ bình an.
Trong tín niệm tương sinh ngũ hành “Thổ sinh Kim” cũng là một tín lý về việc thờ phụng hai ông. Câu liễn thờ sau sẽ giúp chúng ta hiểu thêm phần nào:
“Thổ năng sinh bạch ngọc
Địa khả xuất hoàng kim”
(Đất hay sinh ngọc trắng
Địa có thể nảy vàng ròng)
Tóm tắt lại, ông Địa và ông Thần Tài là hai mặt của một vấn đề. Ông Địa là lý còn Thần Tài là sự và hai ông thờ chung với nhau là “lý sự viên dung”.
5 – Tại sao lại chọn ngày mùng 10 là ngày vía Thần Tài
Trong quan niệm của những người kinh doanh, buôn bán thì ngoài những ngày lễ quan trọng trong tháng âm như lễ vọng, lễ sóc thì còn có thêm ngày vía Thần Tài.
5.1. Ý nghĩa của ngày vía Thần Tài
Với người Việt, ông Thần Tài cơ bản là giống Thổ Địa là việc chọn ngày mùng 10 âm làm ngày vía Thần Tài thực chất ra là ngày cúng Thổ Địa. Việc này bắt nguồn từ một quan niệm về sự sinh thành trời đất và các loài vật mà sử sách cho là do Đông Phương Sóc đưa ra vào đời nhà Hán. Theo quan niệm này, khởi thỉ vào những những ngày đầu tháng Giêng thì:
- ngày mồng một sinh ra giống gà
- ngày mồng hai sinh thêm giống chó
- ngày mồng ba sinh thêm giống heo (lợn)
- ngày mồng bốn sinh thêm dê
- ngày mồng năm sinh thêm trâu
- ngày mồng sáu sinh thêm ngựa
- ngày mồng bảy sinh ra loài người
- ngày mồng tám sinh ra ngũ cốc
- ngày mồng chín sinh ra trời
- ngày mồng mười sinh ra đất
Theo tín lý này mà đời sau biện sự ra các tập tục lễ thức: “Bùa nêu – ông Cọp”, ngày mồng bảy là ngày “nhân nhật” nên có lễ khai hạ, mồng chín sinh ra trời nên cử hành lễ vía Ngọc Hoàng và ngày mồng mười là ngày cúng Đất, gọi là vía Đất hay còn gọi là Vía Thần Tài bây giờ.
Ngoài các sự lý giải trên, có một quan niệm coi ra có phần hữu lý: các ngày mồng 10 của 5 tháng âm đầu năm là ngày vía của các thần “Ngũ phương ngũ thổ”, tức các thổ thần ở bốn phương và trung ương. Như vậy, mỗi ngày mồng mười của 5 tháng đầu năm là ngày vía của một trong 5 vị thổ thần ấy. Ngày mồng 2 và ngày 16 hàng tháng âm lịch có ý kiến cho là lệ cúng thông thường của năm thần Ngũ phương và cũng có ý kiến khẳng định đó là lệ cúng Thần Tài được tích hợp chung vào đó làm một.
Việc cúng vào ngày mồng 2 và 16 hàng tháng rất phổ biến đối với các hộ buôn bán và lịch lễ cúng vào ngày mồng 10 âm lịch 5 tháng đầu năm, thậm chí cả 12 tháng được đông đảo dân chúng thực hành.
Noi chung, lệ cúng trở nên đa tạp như vậy là do sự tích hợp nhiều tín lý của một tập thành tín ngưỡng đa dạng do tiến trình phát triển của lịch sử, đặc biệt là sự hội nhập các thần tài lộc từ nhiều nguồn khác nhau và hệ thống gia thần xứ ta.
5.2. Tại sao lại mua vàng vào ngày vía Thần Tài
Không khó để nhìn thấy hình ảnh nhộn nhịp mua bán tại các cửa hàng vàng, bạc vào ngày mồng 10 tháng Giêng.

Trong đầu năm, ngày vía Thần Tài không chỉ là ngày để tạ ơn và tưởng nhớ về công lao các vị Thần Tài đã mang lại tài lộc cho Gia Chủ trong năm vừa qua. Ngoài ra còn là ngày mong muốn được “đổi vía” – khi có vía của chư vị Thần Linh sẽ đem đến cho Gia Chủ một khởi đầu năm mới suôn sẻ.
Việc mua vàng chính là thể hiện mong muốn được “buôn may bán đắt” và ta cũng có thể dễ dàng hiểu rằng vàng là tượng trưng, biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý.
Trên hết, người ta còn cho rằng khi mua vàng và cất trữ vàng vào két sắt, hoặc ví hoặc những nơi mang theo người sẽ mang đến điều may mắn, hạnh phúc, tài vận cho Gia Chủ.
5.3. Dùng hương gì để thắp cho ông Thần Tài và ông Địa
Hai vị Thần Linh là ông Thần Tài và ông Địa là những người mang lại bình an và may mắn, tài lộc cho Gia Chủ vậy nên việc thắp hương thờ phụng ông không được làm qua loa, cần phải chỉn chu và phù hợp. Dâng hương thờ cúng hai ông là cách để biểu đạt Sở Cầu – Sở Nguyện mong rằng đấng bề trên có thể lắng nghe vậy nên cần phải sử dụng dòng Nhang chuyên Tài Lộc – Tài Vận chính là Nhang Thần Tài. Nhang có màu vàng ánh kim – hành Kim phù hợp với nguyên tố ngũ hành của ông Thần Tài được thuận theo yếu tố “Thổ sinh Kim”.

Qua bài viết này mọi người có thể hiểu rõ hơn về ông Thần Tài là ai, ông Địa là ai và thần tích của các vị Thần Tài theo tôn giáo và đất nước khác nhau. Dù sao đi chăng nữa, chỉ cần tấm lòng Gia Chủ một lòng thành kính, thờ cúng hai vị thần bản gia tốt bụng này thì sẽ được phù hộ độ trì, cải biến tài lộc.
Bài viết hay quá. Cảm ơn đã chia sẻ